Các chuyên gia tập trung những điều thí sinh cần lưu ý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay
Theo ThS Hoàng Thúy Nga - Vụ Giáo dục ĐH (Bộ
GD-ĐT), việc chuẩn bị tốt nhất tất cả các công việc, trong đó có việc rà soát
các thông tin cá nhân, là điều vô cùng quan trọng góp phần giúp thí sinh tự tin
trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ngược lại, để lơ là khâu
chuẩn bị có thể gây rắc rối cho thí sinh trong kỳ thi, ảnh hưởng đến kết quả
thi và xét tuyển.
Kiểm tra kỹ giấy báo dự thi
Cô Nga lưu ý: "Ngày 1-8 thí sinh sẽ
nhận được giấy báo dự thi. Ngay sau đó, thí sinh cần coi lại thông tin ghi
chính xác hay chưa. Nếu có sai sót cần phản ảnh ngay với các thầy cô nơi nộp hồ
sơ đăng ký dự thi để điều chỉnh. Hoặc đến chiều 8-8, trong buổi làm thủ tục dự
thi, thí sinh cũng có thể điều chỉnh sai sót thông tin cá nhân".
Cũng theo cô Nga, thực tế trước khi vào
phòng thi, tâm lý chung của thí sinh rất căng thẳng. Do vậy, nhiều bạn ngay sau
khi nhận đề thi là chăm chăm vào làm bài ngay.
"Ngay sau khi nhận đề thi, các em nên
dành 5 phút kiểm tra kỹ toàn bộ đề thi coi có bị rách, mờ, có đủ số trang, mã
đề thi... Mã đề thi của tất cả các môn thành phần phải giống nhau. Đối với các
môn thi tổ hợp, sau khi kết thúc thời gian làm bài mỗi môn thi thành phần, thí sinh
sẽ được phát đề môn thi thành phần tiếp theo. Các em cũng phải kiểm tra kỹ mã
đề xem có trùng khớp với mã đề môn thi trước đó.
Nếu phát hiện đề thi có vấn đề gì, thí
sinh cần phản ảnh ngay với cán bộ coi thi để đề nghị đổi đề khác. Trong trường
hợp đề thi bị nhòe, rách hay sai mã đề sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí
sinh" - cô Nga tư vấn.
Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng
Liên quan tới thông tin đăng ký xét tuyển,
ThS Hoàng Thúy Nga cho biết đến nay cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự
thi THPT với hơn 2,5 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ. Trong đó hơn
55% đăng ký bài thi khoa học xã hội. Theo thống kê, trên 80% thí sinh đăng ký
1-5 nguyện vọng. Phần lớn thí sinh đăng ký khối ngành khoa học xã hội, an ninh
quốc phòng. Còn các khối ngành khoa học kỹ thuật, sư phạm tỉ lệ thí sinh đăng
ký khá ít.
TS Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM)
cũng khuyên thí sinh có sự chuẩn bị tâm thế vững vàng để chuẩn bị bước vào kỳ
thi tốt nghiệp bằng việc hệ thống lại kiến thức để đạt được kết quả cao nhất.
Việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển là cơ hội để thí sinh xác định
lại nguyện vọng đã đăng ký nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cũng như chọn được
ngành phù hợp.
Coi lại điểm chuẩn các năm trước và so
sánh với mặt bằng điểm chung của năm nay là cơ sở giúp thí sinh điều chỉnh
nguyện vọng phù hợp. Nếu đề thi năm nay dễ hơn thì phổ điểm sẽ cao hơn. Cho nên
thí sinh cũng phải dự tính mức điểm của mình phải cao hơn mức năm trước.
"Thí sinh cần lưu ý các tổ hợp đăng
ký xét tuyển phải có những môn mình đã thi và có điểm. Điều cần lưu ý nữa là
ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm, sức khỏe (do Bộ GD-ĐT
công bố) và ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (do các trường công bố,
nếu có). Nếu điểm thí sinh không đủ điểm này thì chắc chắn phải thay đổi nguyện
vọng.
Khi điều chỉnh nguyện vọng cần sắp xếp thứ
tự theo mức độ ngành yêu thích của mình để làm sao có thể trúng tuyển ở ba
nguyện vọng đầu. Nếu đăng ký dàn trải sẽ không trúng tuyển vào ngành mình yêu
thích..." - cô Mai nói.
Nguồn TTO